Trong lĩnh vực y tế bảo vệ sức khỏe con người cũng có sự tham gia đóng góp của kỹ thuật số, nhất là trong các lĩnh vực chẩn đoán của y học hiện đại đều có đóng góp quan trọng và quyết định của điện tử số như: Các hệ thống điện tim, điện não, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp Citi, cộng hưởng từ, nội soi… Nhưng sự đóng góp để bảo vệ sức khỏe của con người của điện tử số trong Y học cổ truyền như thế nào và sự kết hợp giữa kỹ thuật điện tử số hiện đại với y học cổ truyền như thế nào? Vấn đề kỹ thuật hiện đại tân tiến hiện nay với lĩnh vực y học cổ điển đã có từ lâu đời có hợp tác được với nhau được không? Có giúp đỡ để cùng phát triển được không?, và cụ thể của sự hợp tác đó như thế nào? Có ích lợi gì cho việc bảo vệ sức khỏe con người thì đó là điều muốn được trao đổi trong bài viết này.
Y học hiện đại nôm na gọi là Tây y và Y học cổ truyền là hai lĩnh vực khoa học cùng có một mục tiêu chung là trị bệnh cứu người, đảm bảo giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng xã hội, đó là nhiệm vụ rất lớn lao và cao quý. Hai hệ thống y tế YHCT và Tây y đã và đang song song tồn tại và chúng ta đều chưa có kết luận cuối cùng về sự ưu việt của hai hệ thống trị bệnh này, vì mỗi một lĩnh vực đều có những lý thuyết riêng, những tư tưởng triết học riêng và có những bệnh Tây y không giải quyết được thì YHCT lại chữa được và ngược lại có những điều YHCT không làm được thì dùng Tây y lại rất hiệu quả. Hai hệ thống này đang song song tồn tại và đó là một thực tế khách quan, thậm chí YHCT còn ra đời và xuất hiện sớm hơn Tây y, vì vậy người ta mới gọi là y học cổ truyền.
Cũng chính vì sự cổ truyền của nó nên nó có quán tính lớn và phát triển chậm so với y học hiện đại. Hiện nay Tây y đã đưa ra các thiết bị y tế cũng như các hệ thống nghiên cứu phân tích chẩn đoán rất hiện đại. Chính vì mong muốn đẩy nhanh sự phát triển của Y học cổ truyền nên chúng ta đã tổ chức ra cuộc hội thảo này, cùng với sự kết hợp giữa điện tử số và Y học cổ truyền, hy vọng có sự đóng góp nào đó trong sự phát triển trong lĩnh vực tăng khả năng chẩn đoán và trị bệnh của Y học cổ truyền. Đây là bước đi ban đầu do Lương y Lê Văn Sửu và kỹ sư Đinh Lai Thịnh khởi xướng, lúc đầu nó như một cái mầm và hy vọng có được sự ủng hộ của các Lương y, các nhà Kỹ thuật điện tử, các Bác sĩ và tất cả mọi người quan tâm để các bước đầu tiên này, cũng như cái mầm mới mẻ ngày càng phát triển hơn nữa nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Để phối hợp được giữa Điện tử và Y học cổ truyền trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh ở đây cụ thể là gì? Dựa trên cơ sở nào? Là một người có hiểu biết và kinh nghiệm về điện tử, và thiết bị điện tử này đã được lắp ráp thử nghiệm lần đầu tại bộ môn Điện tử-Tin học - Khoa Điện tử viễn thông trường Đại học Bách khoa Hà nội. Hệ thống này dựa trên đo nhiệt độ tại các huyệt Tỉnh (thuộc hệ thống Kinh lạc), kết hợp với kinh nghiệm lâu năm của Y học cổ truyền và phương pháp xác suất thống kê để dự báo và chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân đó chính là tư tưởng chủ đạo.
Để đảm bảo độ chính xác cho quá trình chẩn đoán bệnh ở đây thì điều quan trọng nhất là ta phải tìm được chính xác điểm huyệt- (thuộc Kinh lạc) của bệnh nhân. Trước đây để một bác sĩ (lương y) chẩn đoán được chính xác bệnh tật của một người bệnh là rất khó khăn, và mất thời gian. Thầy thuốc chẩn đoán chủ yếu dựa trên các kinh nghiệm và cảm nhận bằng cảm tính. Đó là cái thiệt thòi và hạn chế lớn của Y học cổ truyền trong việc truyền đạt và lưu lại kiến thức cho đời sau. Các Lương y học về Y học cổ truyền rất vất vả, nhiều khi vài chục năm mới hiểu được kiến thức bắt mạch hay cách điều trị.
Nhưng hiện nay nhờ thiết bị điện tử với các cảm biến có độ nhậy cao, chúng ta có thể xác định chính xác nhiệt độ của Tỉnh huyệt bằng các thiết bị (máy) đo nhiệt độ. Hiện nay độ chính xác của các thiết bị đo nhiệt độ (to) cấp chính xác có thể tới 0,1% và cao hơn. Nhiệt độ Tỉnh huyệt được xác định chính xác bằng thiết bị điện tử, thì vấn đề còn lại chỉ là dựa trên các kết quả đo đó dự báo và chẩn bệnh mà thôi, mà vấn đề này đã được đúc rút qua nhiều năm kinh nghiệm của Y học cổ truyền( phương pháp thống kê). Như vậy sơ qua ta đã hiểu được việc có sự kết hợp giữa Điện tử hiện đại và Y học cổ truyền trong việc chẩn đoán và trị bệnh cho người bệnh.
Từ lâu tôi đã được đọc một cuốn sách của Liên Xô cũ, các bác sĩ của họ đã đề ra một cách chẩn bệnh cho bệnh nhân bằng cách đo điện trở của huyệt trên đầu của người. Họ đã đo điện trở trên 7 huyệt (có thể rút xuống còn 3 huyệt) là có thể xác định khá chính xác bệnh của người bệnh. Họ còn làm thí nghiệm thực tế chẩn đoán một bệnh có biểu hiện lâm sàng bệnh rõ nét đó là cao huyết áp, và họ thử với khoảng vài trăm người bất kỳ, một bên là bác sĩ chuyên môn một bên là máy của họ chế ra, kết quả là máy có sự chính xác cao hơn một chút.
Như vậy chúng ta hiểu được chỉ cần dựa vào nhiệt độ của Kinh lạc( hay Tỉnh huyệt), ta có thể chẩn đoán được bệnh cho người bệnh. Từ trên cơ sở đó có thể đưa ra thuốc (bốc thuốc) điều trị. Các số liệu của người bệnh đều được số hóa và ghi vào trong máy, sau khi uống thuốc và điều trị một thời gian ta có thể kiểm tra lại kết quả mới so với kết quả trước từ đó biết được tác dụng cũng như hiệu ứng của thuốc đối với quá trình điều trị, đây là sự hơn hẳn của hệ thống Điện tử kết hợp với Y học cổ truyền so với chỉ chữa theo Y học cổ truyền vì người Lương y không thể nhớ hết được các bệnh nhân cũng như lâm sàng bệnh của từng bệnh nhân một.
Có thể nói phương pháp Đo nhiệt độ kinh lạc để chẩn bệnh là một phương pháp chẩn bệnh mới, mà nhiệt độ con người là phép xác định chính xác và dễ nhất để biết người bệnh khỏe hay bị sốt, vậy đo nhiệt độ kinh lạc cũng có cơ sở để tin cậy dùng cho chẩn bệnh. Sau khi chẩn bệnh xong còn cả một quá trình điều trị dài sau đó, nhưng chỉ ra đúng bệnh còn quan trọng hơn là điều trị mà không biết bị bệnh gì. Vậy đây là một phương pháp một thiết bị điện tử chẩn bệnh dựa trên nhiệt độ Kinh lạc và kinh nghiệm Y học cổ truyền. Để khẳng định kết quả và một hướng chẩn bệnh mới ta còn cần nhiều thời gian, đúc rút kinh nghiệm… rồi mới đưa ra được lý luận chính xác. Đây là bước đầu tiên còn nhiều mới mẻ dù đã có qua một số năm thực tế kiểm định nhưng vẫn chưa đủ, chính vì vậy có người ủng hộ, có người phân vân nghi ngờ, có người phản đối nếu có cũng là điều bình thường. Vì đối tượng xem xét là con người mà chính bản thân ta có hiểu được con người là gì và tại sao nó hoạt động như vậy đâu?, Ta hiểu về con người còn vô cùng ít, vậy cũng không thể cầu toàn cho một bước đầu tiên xem xét về con người theo một hướng mới, cách nghĩ mới. Kể cả các thuốc chữa bệnh và thiết bị hiện đại đang có ta cũng không thể hiểu hết tác dụng và tác hại của nó, vẫn còn có phản ứng phụ… Vậy Y học cổ truyền là chữa bệnh theo kinh nghiệm lâu đời truyền lại, lại càng khó có sự giải thích chính xác. Chính vì vậy, trong lĩnh vực chẩn đoán mới mẻ này sẽ có nhiều điều còn cần phải bàn bạc và trao đổi, thực tế sẽ trả lời chính xác cho chúng ta.
Ở đây chỉ mong rằng bước đầu tiên này và cái mầm đầu tiên này được mọi người quan tâm, ủng hộ ở mọi lĩnh vực, vì diệt cái mầm đi thì rất dễ nhưng để có được một cái mầm là rất khó, nuôi nó để nó phát triển còn khó hơn, và từ sự phát triển của nó ta vẫn thu thêm được các hiểu biết và kiến thức mới có thể tốt, có thể xấu để khắc phục vẫn còn hơn là không biết gì. Vậy kỹ sư Đinh Lai Thịnh vừa là kỹ sư điện tử vừa là người ham mê và được các thầy giỏi truyền thụ lý luận cũng như các kinh nghiệm Y học cổ truyền quý giá. Trải qua hàng chục năm gắn bó đã mạnh dạn đi những bước đầu tiên vì vậy cần được tạo điều kiện giúp đỡ và phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Nam Quân
Nguyên Trưởng bộ môn Điện tử- Khoa ĐTTH ĐHBKHN
Trưởng Khoa Điện tử viễn thông Đại học Điện Lực
ĐT: 0913572484
Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2010
|