Tôi được tiếp cận với tiêu chí này từ năm 1965 trong lớp đào tạo Giảng viên Đông y của Bộ Y tế. Nhưng bắt được tín hiệu này trong hệ thống lý luận Đông y chính là nhờ angten “Hàn-nhiệt” đã được trang bị trong dịp chuẩn bị luận văn tốt nghiệp tại Học viện Y dược khoa Bucarest đầu thập kỷ 60 (TK20) (đề tài những biện pháp y sinh học bảo vệ sức khoẻ trước tác động nhiệt của môi trường). Chính vì thế chúng tôi vui mừng khi được tiếp cận phương pháp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh bằng đo nhiệt độ kinh lạc của Lương y Lê Văn Sửu với niềm tự hào về sự phát kiến của một Lương y Việt Nam và phấn khởi trước sự cộng tác kết hợp Đông – Tây y trong thời kỳ sóng gió của sự nghiệp thừa kế nền y dược học cổ truyền của Việt Nam. Chúng tôi mong mỏi có nhiều phương tiện để nghiên cứu Đông y và kết hợp Đông – Tây y đặng thu nhận được các tín hiệu từ cơ thể sống một cách khách quan giảm bớt những cảm tính chủ quan của từng người thầy thuốc. Chúng tôi đã đồng cảm với những ý kiến của Lương y Lê Văn Sửu viết trong lời nói đầu của cuốn sách “Phương pháp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh bằng đo nhiệt độ kinh lạc” của ông và GS Nguyễn Tài Thu viết trong bài giới thiệu cuốn sách đó.
Từ 1970 chuyên làm thực nghiệm Dược lý Đông Tây y, tôi đã có dịp tiếp cận thêm về 2 tiêu chí Hàn – Nhiệt trong Đông y để thấy thêm giá trị đặc biệt của 2 tiêu chí này trong những phương pháp phòng chữa bệnh vô cùng phong phú và tinh tế của Đông y và nguyên lý độc đáo (Nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng/Hàn ngộ hàn tắc tử) và nguyên tắc hành nghề đối với một người thầy thuốc là: phải biết phân biệt 2 chữ Hàn – Nhiệt trong chẩn đoán và 2 chữ Hàn – Nhiệt trong dụng dược.
Thầy Sửu đã nói Hàn – Nhiệt là 2 cương trong Bát cương của phép chẩn đoán (Hàn-nhiệt; Hư-thực; Biểu-lý; Âm-dương). Như vậy để có chẩn đoán hoàn chỉnh thì chẩn đoán Hàn – Nhiệt sẽ được bổ sung cho 3 cặp còn lại đặng có thể chọn pháp trong Bát pháp (Hãn – Thanh – Thổ – Hạ - Tiêu – Hoà - Ôn – Bổ).
Hàn nhiệt được dùng trong phương pháp này sẽ được bổ xung bằng những cách phát hiện khác của tứ chẩn (vọng văn vấn thiết) sẽ cho chẩn đoán hoàn chỉnh hơn. Như ý kiến của thầy Sửu thì phương pháp của thầy là thực hiện phần xúc chẩn (trong xúc chẩn có bắt mạch và sờ nắn).
Trong Đông y, từ chẩn đoán để sang điều trị phải qua quá trình không thể thiếu và không đảo ngược là Biện chứng rồi luận trị bằng Lý-pháp-phương-dược. Với dược phải biết tính năng dược vật của chúng bao gồm Tứ khí, Ngũ vị, Thăng-giáng-phù-trầm, Quy kinh. Trong đó Hàn Nhiệt là 2 tính chất quan trọng như trên đã nói. Là điều kiện cần nhưng phải có thêm tính năng khác mới là đủ. Không thể chỉ lấy riêng một phần nào để nói đến tính chất của thuốc. Như một chuyên gia y tế Việt Nam tại Angola đã trình bày cho bạn (người nước ngoài) rằng đặc thù của thuốc cổ truyền là chỉ vào Ngũ vị nên kém hấp dẫn vì nếu muốn nói đến tính năng dược vật Đông y phải lưu ý hơn thì phải nhắc đến Tứ khí (Hàn – Nhiệt - Ôn – Lương). Ở Algeri chúng tôi đã nhấn mạnh đến 2 tính chất Hàn nhiệt trong chẩn đoán và điều trị của Y dược học cổ truyền Phương đông trên thực tiễn lâm sàng và thực nghiệm đã làm bạn rất thích thú. Họ là những người đã tu nghiệp dược lý ở Pháp và Mỹ. Họ rất ngạc nhiên. Chứng cứ hợp pháp có được lúc đó của chúng tôi là Dược Điển Việt Nam đã nói đến tính năng dược vật. Với một số ví dụ đưa ra bệnh nào cũng sẽ có Hàn Nhiệt và sẽ dùng thuốc Nhiệt chữa bệnh Hàn và thuốc Hàn chữa bệnh Nhiệt. Nếu sai sẽ gây biến cố điều trị. Qua chuyện đó cho thấy tiêu chí Hàn Nhiệt có sức hút kỳ diệu mọi người đến với kho tàng tri thức phương đông và những hoạt động thực tiễn như chẩn đoán và theo dõi điều trị bằng đo nhiệt độ kinh lạc.
Tóm lại tiêu chí được chọn để khảo sát của phương pháp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh sẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp thừa kế Y dược học cổ truyền Việt Nam cần được chung sức, chung lòng toàn tâm toàn ý góp tay góp sức phát huy những sở trường của nó.
Về phần chúng tôi những người làm thực nghiệm trong lĩnh vực Y dược học cổ truyền nhận thấy lĩnh vực thực nghiệm cũng góp phần đắc lực vào hoạt động này bằng sở trường của phương pháp thực nghiệm y sinh học. Các tác giả của công trình nên quan tâm thêm phần nghiên cứu thực nghiệm. Trong sách của thầy Sửu có nói đã qua thực nghiệm? Chúng tôi đã tìm sách để tham khảo nhưng chưa thấy. Phải chăng ý thầy nói đến thử nghiệm lâm sàng? (Clinical trial) chưa qua thực nghiệm trong phòng thí nghiệm (experimental in labolatory). Chúng tôi đã qua đề tài tìm hiểu nội dung Hàn Nhiệt trong sinh bệnh lý trị liệu của Đông y. Bước đầu đã xác lập được một số tương quan giữa tính Hàn Nhiệt của thuốc với biến đổi sinh bệnh lý của động vật thí nghiệm. Qua đó việc liên hệ Đông Tây y dễ dàng với độ chính xác cao hơn.
Phương pháp đo nhiệt kinh lạc đã có một quá trình thử nghiệm lâm sàng là thành quả nghiên cứu quý giá. Nhưng thiển nghĩ nếu bổ sung thêm nghiên cứu thực nghiệm trong phòng thí nghiệm sẽ càng hoàn hảo hơn. Thực nghiệm đi sau thử nghiệm lâm sàng, sẽ càng tận dụng thông tin của lâm sàng để chỉ đạo thực nghiệm. Đó là một lợi thế của nghiên cứu thực nghiệm Đông y mà chúng tôi đã tận dụng trong suốt 40 năm qua. Về lý thuyết của phương pháp nó vẫn phù hợp với vòng khép kín của quá trình tư duy mà Claude Bernard đã viết trong Nhập đề nghiên cứu y học thực nghiệm.
Kính chúc đề tài đo nhiệt độ kinh lạc ngày một tiến bộ hơn. Các bạn sẽ không phụ lòng tin cậy của thầy Sửu để lương y Lê Văn Sửu nơi cõi vĩnh hằng được toại nguyện.
BS. Phó Đức Thuần
Nguyên Trưởng phòng Thực Nghiệm Bệnh viện YHCTTW
(Trung tâm Hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới)
PGĐ TTNC Phát Triển Cây Thuốc Dân Tộc CT(CREDEP)
ĐT : 043 8582981
|