LẦN ĐẦU GẶP NẠN
Cuối năm 2004, đột nhiên ông bị bí tiểu. Không thấy đau bụng dưới, không đau lưng, cũng không có dấu hiệu gì khác thường. Bản thân mắc bệnh tiểu đường típ 2 từ năm 1997, ông đã tìm hiểu khá nhiều tài liệu y học về căn bệnh này và các bệnh liên quan, nên biết rõ, mình bị suy thận (độ 1) do biến chứng tiểu đường, song không thể gây ra bí tiểu. Ông biết, bàng quang là túi đựng nước thải của cơ thể qua đường niệu quản sau khi đã được hai quả thận sàng lọc và nằm ở đáy khoang bụng dưới. Ông cũng hiểu, ông bí tiểu không phải vì trục trặc hệ thống thần kinh (bởi ông không bị rối loạn thần kinh trung ương, thần kinh thực vật, không bị chấn thương cột sống). Thủ phạm chỉ có thể là sỏi niệu quản, sỏi niệu đạo, niệu đạo bị giập hoặc vỡ, tắc sỏi ở cổ bàng quang, bệnh ở tuyến tiền liệt (u xơ, phình đại,ung thư) chèn ép bàng quang hoặc bệnh ở bàng quang.
Vào bệnh viện khám, sau khi chiếu chụp, siêu âm, bác sĩ kết luận : “Tất cả những giả thiết bác nêu ra đều bị loại trừ. Bác không bị bệnh gì hết. Có thể chỉ vì cơ thể bị nóng, niệu đạo co thắt, tạm thời không tiểu tiện được. Bác có thể ra chợ, tìm bà hàng lá, mua ít bông mã đề về sắc uống. Bẩy ngày không đỡ vào khám lại”.
Đã làm đúng lời bác sĩ, nhưng mới sau hai ngày ông thấy không thể chịu đựng lâu hơn. Bụng dưới phình to. tức, muốn vỡ. Mồ hôi chảy khắp người vì cảm giác bức bối khó tả. Theo đúng tuyến và đúng tiêu chuẩn, lẽ ra ông phải vào Bệnh viện Hữu Nghị, song ông nghĩ, “đã bí tiểu cả tuần, đáng phải được cấp cứu. Đã cấp cứu ở Hà Nội, không đâu bằng A9 Bệnh viện Bạch Mai”. Nghĩ sao, làm vậy, ông quyết định “xé rào” phạm luật nhập viện sai tuyến- bảo con đưa đến A9 Bệnh viện Bạch Mai.
“ Thật xứng đáng đơn vị hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng - Ông Chương kể – Với kiến thức sâu rộng cộng với kinh nghiệm nhiều năm tận tụy trị bệnh, cứu người, không cần làm ngay những xét nghiệm ngốn nhiều thời gian, bác sĩ Đính nhanh chóng quyết định làm thao tác thông tắc nước tiểu qua đường niệu đạo, ngay sau khi thăm khám”. Khoảng 1,5 lít nước tiểu đục tựa nước cống lẫn máu đã được tháo ra. Nạn nhân tỉnh táo nhẹ nhõm và thoải mái sau khi trút được gánh nặng. Kết quả xét nghiệm chiếu, chụp sau đó kết luận: Bàng quang bị viêm nhiễm, chảy máu lâu ngày, máu vón cục, gây tắc cổ bàng quang. Ông được điều trị kháng sinh hai tuần, rồi ra viện. Trong thời gian nằm viện, hỏi chuyện mọi người, ông mới biết mình được cứu sống, toàn thân lành lặn chính là nhờ quyết định táo bạo thông tiểu ngay của bác sĩ Đính, bởi gần như chắc chắn ông đã bị vỡ bàng quang – nếu chỉ chậm ít phút!
NẠN LẦN HAI
Những ngày yên ổn trôi qua được hơn một năm. Đúng ngày 27 Tết năm 2005, bệnh lại bất ngờ tái phát. Ông đã quyết định vào A9 Bạch Mai – cơ sở từng một lần cứu sống mình, song người nhà lại đưa ra phương án khác - Đến Bệnh việ Xanhpôn vì đã 27 Tết và ở đó có người quen của gia đình – Bác sĩ Vân, thầy thuốc được mệnh danh “có bàn tay vàng”.
Bàng quang của ông trên phim chụp X-quang là một khối đen đặc, không nhìn thấy gì. Bác sĩ Vân quyết định lập tức đưa ông lên bàn mổ, cấp cứu thông nước tiểu. Kết quả siêu âm bàng quang sau đó phát hiện ra khối u mọc lên từ mảng cơ trơn nhú lên tựa bông súp lơ, miệng há liên tục rỉ máu. Giải pháp nội soi được nhanh chóng nhất trí. Một mặt lấy mẫu bệnh phẩm gửi Bệnh viện K yêu cầu làm sinh khiết; mặt khác bác sĩ dùng dao điện băm nát khối u và là điện. Tiếp theo là công đoạn truyền nước muối sục rửa và điều trị kháng sinh liều cao. Đúng ngày mùng 7 Tết ông được xuất viện.
Chưa Rằm tháng Giêng nào nhà ông lại lạnh lẽo như Rằm tháng Giêng năm 2006. Kết quả sinh khiết của Bệnh viện K không khác gì cơn bão lớn bất ngờ đổ ập xuống nhà ông – Ung thư bàng quang! Ông chưa tin, nhưng vợ con đều bàng hoàng, ủ rũ.
Tìm hiểu các tài liệu viết về các biến chứng của bệnh tiểu đường, mà bản thân là nạn nhân, ông chỉ thấy tiểu đường có thể gây ra các bệnh tim mạch, làm suy thận, gây hỏng mắt, có thể làm tắc tĩnh mạch và gây hoại tử các chi, không biến chứng gây ung thư. Ông cũng biết, bệnh ung thư – theo lý giải của bốn nhà khoa học đã được trao giải Nobel năm 2004 (ba nhà sinh học Israel, một nhà hóa học Mỹ) – là hậu quả của quá trình rối loạn chuyển hóa protein; trong khi tình trạng rối lọan quá trình chuyển hóa lipít do hậu quả bệnh tiểu đường chỉ gây ra những mảng xơ vữa, có thể làm tắc động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim hoặc tai biến não. Lẽ nào tình trạng rối loạn chuyển hóa lipít còn gây ra ung thư bàng quang?
Vẫn biết kết quả chẩn đoán của bệnh viện chuyên điều trị ung thư hàng đầu đất nước khó có gì sai sót, song để thật chắc chắn, ông vẫn muốn tham khảo ý kiến chuyên gia là bạn thân. Qua giới thiệu của GS BS Lê Điềm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện C Hà Nội), bạn học thời phổ thông, ông đã trực tiếp gặp GS,BS Nguyễn Văn Kha, Giám đốc Bệnh viện tư nhân Hồng Hà, nguyên chuyên viên cao cấp Bệnh viện K.
Với kinh nghiệm nhiều năm chữa trị ung thư, xem kết quả xét nghiệm, GS,BS Kha khẳng định, kết luận ung thư bàng quang của Bệnh viện K là hoàn toàn chính xác.
Về hướng điều trị, cả bác sĩ Vân và GS,BS Kha đều khuyên cần phải áp dụng giải pháp Hóa trị (truyền hóa chất), nếu không có kết quả có thể áp dụng xạ trị (dùng tia phóng xạ). Ông biết, cả hóa trị và xạ trị đều gây ra những tác dụng phụ nặng nề. Cùng với tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, cả hai đều có thể tiêu diệt cả tế bào khỏe mạnh.
LẦN THỨ BA – “GẶP THẦY, HỢP THUỐC”
Mang tâm trạng bi quan, ông giãi bày hoàn cảnh trớ trêu của nình với bạn thân – KTS Nguyễn Trực Luyện (nguyên Tổng thư ký Hội Kiến trúc sư VN). Chưa nghe hết câu chuyện, KTS Luyện đã thân mật vỗ vai ông, ôn tồn bảo bạn: “Vô tư đi, ông gặp may rồi! Tôi biết thầy thuốc đã chữa khỏi bệnh y hệt của ông cho một công dân Hàn Quốc (ông Lý Trung Yên, nhân vật trong bài viết “Đồng hương thần y Hơ Dzun gõ cửa lương y, đồng hương “ông tổ thuốc Nam” Tuệ Tĩnh” – Tri thức trẻ số Tết 2008).
Ngay hôm sau, ông được KTS Nguyễn Trực Luyện giới thiệu gặp dược sĩ – lương y Đào Kim Long, học trò cưng của cố giáo sư – tiến sỹ Đỗ Tất Lợi. Lần đầu tiếp xúc với ông Long, thực lòng ông vẫn chưa tin hẳn. Lý do thật giản đơn. Thứ nhất, trước khi đến với ông Long, ông Lý Trung Yên đã qua bẩy lần phẫu thuật, tức đã bẩy lần khối u bị cắt bỏ; trong khi ông mới qua một lần xử lý nội soi bằng dao điện. Quan trọng hơn, ngoài bệnh ung thư bàng quang, vị công dân Hàn Quốc không mắc bệnh nào khác. Trong khi ngoài ung thư bàng quang, ông còn bị tiểu đường típ 2, bệnh tim (đã mổ nội soi nong mạch vành, đặt ste), suy thận độ 1, sỏi mật, sỏi thận…
Dường như đọc được tâm trạng “nửa tin, nửa ngờ” của bệnh nhân mới, lương y Đào Kim Long điềm đạm giải thích nguyên nhân và cơ chế tiến triển của từng chứng bệnh đã kể. Ông cũng thành thật thừa nhận không chữa được bệnh tiểu đường típ 2, tức không thể giúp ông giải quyết bệnh tim,song với tất cả chứng bệnh còn lại, ông tin sẽ điều trị được.
Chưa “tâm phục khẩu phục”, song vì không có sự lựa chọn nào khác, ông miễn cưỡng theo thầy Long. Từ hôm đó, đều đặn cứ hai ngày ông uống hết một thang thuốc; cứ hai tuần – lại đến gặp lương y một lần để thăm khám bốc thuốc. Thật kỳ lạ, ngay sau tháng đầu uống thuốc, ông đã cảm thấy cơ thể khoan khoái hơn, da dẻ hồng hào, ăn ngon miệng và ngủ đẫy giấc. Kỳ lạ hơn, sau khi uống hết thang thuốc thứ 170 tức sau 340 ngày, đến tháng 6 năm 2007, kết quả xét nghiệm xác định: Bàng quang bình thường, không còn dấu vết ung thư. Là người cẩn thận, đến tháng ba năm nay, trung bình cứ ba tháng ông chiếu chụp một lần và kết quả bàng quang vẫn “sạch”.
NGỌC BÁU
(Đăng trên Tri Thức Trẻ số 286 ngày 01/07/2009 )
|